Mít là loại trái cây rất phổ biến tại Việt Nam và hầu như ra trái quanh năm. Người dân Việt Nam chắc chắn ai cũng đã từng ăn qua mít và đa số đều cảm thấy yêu thích loại trái cây nhiệt đới này. Thế nhưng, liệu ăn mít cùng với những món ăn khác có bị ngộ độc? Chúng ta cần lưu ý không nên ăn cùng lúc mít với gì?
Câu trả lời sẽ được Mận-Đỏ giải đáp trong bài viết hôm nay nhé!
Tìm hiểu về quả mít
Mít là loại trái cây được trồng nhiều tại các nước Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Cây mít thường mất từ 5-10 năm để trưởng thành và có thể cho trái. Quả của cây mít có hình bầu dục hoặc tròn tùy loại, có vỏ sần sùi và dạng gai nhỏ. Khi chín quả sẽ có mùi thơm đặc trưng, khi bổ ra bên trong quả mít có múi và xơ, bên cạnh đó mít cũng có rất nhiều mủ.
Thông thường chúng ta chỉ sử dụng phần múi mít vì nó có vị ngọt, thơm. Tuy nhiên, xơ mít cũng được dùng làm các món nộm, món gỏi hoặc các món chay; vỏ mít được sử dụng để ủ trà và làm thuốc chữa bệnh.
Ăn mít có tác dụng gì?
Với ngoại hình có vẻ sần sùi, xấu xí thế nhưng quả mít lại có thể mang lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe mà chúng ta không thể ngờ tới. Theo các chuyên gia, những lợi ích của mít có thể kể đến là:
Tăng cường hệ miễn dịch
Với hàm lượng vitamin C khá cao, mít có khả năng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể giống như cam, chanh và các loại trái cây giàu vitamin C khác.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa và ngăn ngừa ung thư ruột già
Mít là loại trái cây rất giàu chất xơ, điều đó có nghĩa là khi ăn mít có thể giảm tình trạng táo bón, giúp đi tiêu dễ dàng. Mặt khác, những chất xơ có trong mít còn có khả năng loại bỏ màng nhầy bám vào thành ruột già, mà đây lại là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư.
Tăng cường thị lực
Bên cạnh vitamin C, mít cũng chứa kha khá lượng vitamin A tự nhiên giúp bảo vệ và tăng cường cho đôi mắt sáng và khỏe. Đã có nhiều chuyên gia nhận định mít có khả năng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh về thoái hóa điểm vàng và quáng gà.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Với các thành phần bao gồm vitamin B6, sắt, magie, hệ tim mạch của bạn sẽ được mít bảo vệ. Với một lượng mít vừa đủ, bạn sẽ chẳng lo đến các vấn đề về tim mạch sau này.
Ngoài những tác dụng trên, còn có các tác dụng khác của mít cũng đã được nghiên cứu và chứng minh là giúp xương chắc khỏe; kiểm soát huyết áp, bổ sung năng lượng, làm đẹp da và ngăn ngừa thiếu máu.
Mít kỵ với trái cây gì?
Vì quá nhiều công dụng đã được kể đến, mít được sử dụng rất nhiều trong đời sống hằng ngày. Đây là lý do mà không ít người lo lắng không biết mít có kỵ với trái cây nào không.
Trên thực tế, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu hay các trường hợp thực tế nào được ghi nhận rằng ăn mít cùng các loại trái cây khác gây ngộ độc.
Trường hợp xấu nhất xảy ra chỉ là những biểu hiện nóng trong, khó tiêu vì bản chất mít là loại trái cây rất dễ gây đầy bụng, khó tiêu khi ăn nhiều.
Bạn không cần quá lo lắng khi ăn mít đâu nhé.
Lưu ý khi ăn mít mà bạn cần biết
Cho dù biết mít không kỵ với loại trái cây khác, nhưng chắc chắn mít vẫn có những tác dụng phụ khi bạn không sử dụng đúng cách. Dưới đây là những lưu ý khi ăn mít mà Mận-Đỏ muốn chia sẻ đến bạn.
Không ăn mít vào ban đêm
Mít cần một khoảng thời gian dài để có thể tiêu hóa. Nếu bạn ăn mít vào ban đêm thì dễ dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu gây mất ngủ và khó chịu cho đến ngày hôm sau.
Ăn mít quá nhiều
Mít cũng được biết đến là loại trái cây chứa nhiều đường và có tính nóng. Khi ăn quá nhiều mít trong khoảng thời gian ngắn sẽ làm tăng nhanh lượng đường có trong máu cũng như gây nóng trong và nổi mụn.
Lượng mít được khuyến cáo nên sử dụng trong một ngày là không quá 100gr đối với người bình thường và không quá 80g đối với người có tiểu sử mắc các bệnh về gan, thận, máu,…
Chỉ nên ăn mít chín cây hoặc chín tự nhiên
Ngày nay để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, rất nhiều thương buôn đã thực hiện hành vi ủ thuốc, bơm thuốc cho mít mau chín. Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người ăn mít. Bạn chỉ nên mua và ăn những quả mít chín cây hoặc chín tự nhiên để tránh ăn phải thuốc độc hại.
Trên đây là những nội dung mà Mận-Đỏ muốn chia sẻ đến bạn. Với những thông tin liên quan đến mít và cụ thể là mít kỵ với trái cây gì, giờ thì bạn đã có thêm một kiến thức mới trong cẩm nang chăm sóc gia đình rồi.